Nhìn anh đứng bên những chiếc máy sản xuất kẹo cu đơ, ai cũng bảo anh là một kỹ sư chế tạo máy. Khi hỏi ra, mới biết anh là Nguyễn Văn Phong, một người làm nông chân chất ở xóm 10, xã Thạch Đài, Thạch Hà (Hà Tĩnh). Cuộc đời anh gắn trọn với nghề làm kẹo cu đơ.
Sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, anh Nguyễn Văn Phong lấy vợ. Khởi nghiệp của hai vợ chồng anh là 6 sào ruộng. Thấy cảnh làm nông vất vả quanh năm, luôn thiếu trước hụt sau, anh nghĩ: hai vợ chồng phải làm thêm một nghề nào đó, chứ nghề làm ruộng sao thoát được nghèo? Anh biết, ở quê anh chỉ có duy nhất nghề đổ kẹo cu đơ. Nghề này ai cũng biết và rất nhiều người làm. Trăn trở mãi, cuối cùng anh bàn với vợ mua mật, bóc lạc đổ kẹo cu đơ bán. "Những ngày đầu làm kẹo cu đơ, hai vợ chồng tôi chỉ nghĩ đổ kẹo bán cho đỡ nhàn. Hồi đó bán không được nhiều lắm, ngày đắt khách được vài ba chục cặp", anh Phong nhớ lại.
Từ lâu anh biết đặc sản của Huế là mè xửng, Bắc Giang là chè lam, Bến Tre là kẹo dừa… Những đặc sản của các miền quê đó được đóng gói, xuất đi mọi miền đất nước, thậm chí đi nước ngoài. “Tại sao mình không làm kẹo cu đơ Hà Tĩnh như thế?”. Đó là trăn trở suốt ba, bốn năm liền của anh Phong. Ngay từ khi làm kẹo cu đơ anh đã nhận ra dùng giấy báo gói không giữ được kẹo lâu và không bảo đảm vệ sinh.
Anh Phong bắt đầu khăn gói vào TP.HCM, tìm đến những cơ sở sản xuất bánh kẹo. Anh học cách bảo quản bánh kẹo. Nhưng anh không có vốn để đầu tư được dây chuyền đóng gọi kẹo cu đơ. Anh lại ra Hà Nội, xông xáo vào những nhà máy sản xuất bánh kẹo tư. Anh hy vọng là học được cách bảo quản kẹo cu đơ đơn giải nhất. Sau những chuyến đi xa, anh Phong bắt đầu ngồi thiết kế ra chiếc hộp kẹo cu đơ. Vốn liếng không có, phương tiện kỹ thuật lại không. Anh bắt đầu đi vay đi mượn tiền, đưa ý tưởng chiếc hộp kẹo cu đơ đến nhà máy sản xuất bao bì Vinh (Nghệ An) đặt làm.
Đầu năm 2008, người dân Hà Tĩnh đã ngỡ ngàng khi thấy những chiếc kẹo cu đơ tròn trĩnh, xinh xắn của quê hương được đóng gói, bảo quản an toàn trong hộp nhựa. Càng ngạc nhiên hơn người dân Hà Tĩnh thấy được hương vị quê hương mình được rất nhiều Việt Kiều về nước mang theo làm quà. Nhiều người ví đây là cuộc cách mạng cu đơ.
Đưa máy vào sản xuất kẹo cu đơ
Anh Phong còn là người đầu tiên đưa máy vào sản xuất kẹo cu đơ. Những ngày đầu làm kẹo cu đơ, anh thấy rửa, thái, đâm được một rổ gừng, vợ anh phải mất một buổi. Nhờ có thời gian ở trong quân ngũ, anh Phong biết ít nhiều về nguyên lý hoạt hoạt động của máy móc đã sáng tạo ra chiếc máy rửa gừng, xay gừng. "Có lẽ chiếc máy xay gừng tiêu tốn nhiều công sức của tôi nhất. Gừng làm kẹo cu đơ không được to, cũng không được nhuyễn, gừng xay ra phải như hạt trấu. Nên chiếc máy xay gừng tôi phải cải tiến đi, cải tiến lại ba bốn lần mới thành công", vừa đứng xay gừng anh Phong vừa cho biết.
Công đoạn nấu kẹo cu đơ, anh Phong cho là tốn công nhất. Mỗi lần nấu kéo, phải mất hai người đứng hai bên khuấy, đảo liên tục, không được ngừng tay, nếu không kẹo sẽ đông thành đường. Không khó mấy, anh Phong mất hơn hai ngày mua thiết bị, ngồi lắp ráp ra chiếc máy khuấy kẹo cu đơ.
Ai đến cơ sở nấu kẹo cu đơ của anh đều khâm phục anh đã sáng chế ra chiếc bếp nấu kẹo cách nhiệt đa năng (nấu bằng điện, than, dầu…). Nhờ chiếc bếp này, anh Phong đã tiết kiệm nhiên liệu và có thể nấu kẹo cu đơ vào những ngày nắng nực.
Khi đóng gói kẹo cu đơ anh nhìn cảnh nhân công của mình ngồi dán hộp kẹo bằng tay, rất lâu. Anh đã không ngần ngại mày mò sáng chế ra chiếc máy dán hộp kẹo. Từ chiếc máy rửa gừng đến chiếc máy dán hộp kẹo, vậy là anh Phong đã thành công đưa máy vào sản xuất kẹo cu đơ.
Một người nông dân bình dị với niềm đam mê nghề làm kẹo cu đơ, anh Phong đã làm sống lại một làng nghề mà bấy lâu chìm lắng. Anh tâm sự rằng, ước mơ lớn nhất bây giờ của anh là làm sao đưa kẹo cu đơ Hà Tĩnh trở thành một thương hiệu được nhiều người biết đến.